Chương trình phát thanh

Truyền hình trực tuyến

Liên kết website

Quảng Cáo

Thống kê truy cập

Đang truy cập 1
Hôm nay 48
Hôm qua 58
Tổng số lượt xem 886751

Nhà tù Sơn La - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

2015-10-02 08:43:25

Trải qua các thời kỳ lịch sử, gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, vùng đất Sơn La được biết đến với Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La - Di tích Quốc gia đặc biệt được cấp bằng công nhận đúng dịp kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh - một bằng chứng vật chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, minh chứng điển hình về tội ác dã man, tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với nhân dân Việt Nam.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

 

 

Đồng thời, khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn, tiếp sức cho các thế hệ trên con đường đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

 

 

Nằm trong hệ thống nhà tù của chính quyền thực dân nửa đầu thế kỷ XX như Côn Đảo, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột, Nhà tù Sơn La được coi là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sỹ cộng sản và người yêu nước Việt Nam. Nếu như năm 1930 chỉ có 24 tù chính trị từ nhà giam Hỏa Lò bị “phát vãng” lên Sơn La thì đến tháng 12-1944 con số đó đã lên tới trên 1.000 tù nhân. Sơn La lúc đó nổi tiếng là vùng “rừng thiêng, nước độc”, với âm mưu thâm độc lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, chế độ lao tù hà khắc hòng giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của tù chính trị, thực dân Pháp đã lần lượt đày các đoàn tù lên Ngục Sơn La, điều đó được thể hiện đầy đủ trong các báo cáo của Công sứ Sơn La Xanh-pu-lốp gửi Thống sứ Bắc kỳ: “Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm...”. Tàn nhẫn hơn, chúng dùng chế độ vật chất để mua chuộc, biến những người dân lạc hậu thành hàng rào bao vây nhà tù, ngăn cách những người tù chính trị với đông đảo quần chúng và lợi dụng sự khác biệt về phong tục tập quán, về ngôn ngữ để ngăn cản các tù chính trị tuyên truyền cách mạng tới nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

 

 

Trong điều kiện sống gian khổ, lao động khổ sai cực nhọc, bệnh tật và chế độ tù đày hà khắc, những người tù chính trị phải đối mặt với những thử thách khủng khiếp. Ngay từ lúc đặt chân tới Ngục Sơn La, họ đã lường được những khó khăn, nguy hiểm và sớm tìm cho mình phương thức hoạt động thích hợp để tồn tại, giữ vững khí tiết của người cộng sản, gây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh trực diện với kẻ thù, rèn luyện và chuẩn bị hành trang cần thiết để khi có điều kiện là trở về với phong trào cách mạng. Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm những hạt giống đỏ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn và nhiều đồng chí kiên trung khác là những tấm gương tiêu biểu cho cựu tù cộng sản ở nhà tù Sơn La.

 

 

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Điểm di tích chính là khu nhà tù, trại giám binh, nhà giám ngục, khu tàu ngựa ở trên đồi Khau Cả và hai điểm di tích Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La (trước đây gọi là nghĩa địa Gốc Ổi) nơi yên nghỉ của đồng chí Tô Hiệu cùng các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tại Nhà tù Sơn La và Di tích cây đa bản Hẹo, địa điểm liên lạc bí mật giữa Trung ương Đảng với Chi bộ Nhà tù Sơn La từ tháng 11-1943 đến 5-1945. Di tích Nhà tù Sơn La hiện đang lưu giữ nhiều chứng tích về tội ác của thực dân Pháp đối với các chiến sỹ cách mạng bị tù đày, giam giữ từ năm 1930 đến đầu năm 1945.

 

 

Nằm trong quần thể của di tích, Nghĩa trang liệt sĩ Nhà tù Sơn La nằm dưới chân đồi Khau Cả. Nghĩa trang do kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật thiết kế năm 1980, trên diện tích 42.860m2, mang biểu tượng một bóng điện khổng lồ với ý nghĩa: “Ánh sáng cách mạng tỏa sáng khắp núi rừng Tây Bắc”. Vào năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh tại đây.

 

 

Từ trên đồi Khau cả nhìn sang bên kia suối Nậm La, cây đa bản Hẹo nằm trên trục đường Chu Văn Thịnh sầm uất của thành phố Sơn La, bên cạnh ý nghĩa lịch sử to lớn, cây đa bản Hẹo còn góp phần làm đẹp môi trường sinh thái và cảnh quan của Thành phố.

 

 

Trong những năm qua, di tích lịch sử Nhà tù Sơn La được Bảo tàng tỉnh Sơn La quản lý và tổ chức khai thác. Hằng năm, khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Trong đó đông nhất là học sinh, sinh viên của các trường học đóng trên địa bàn, những cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Chỉ tính 5 năm lại đây, Di tích Nhà tù Sơn La đã đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan.

 

 

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng; khí phách kiên cường, khát vọng độc lập tự do; ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tinh thần lạc quan và sáng tạo của những người cộng sản; là biểu tượng đẹp đẽ về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; là địa chỉ quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho nhân dân ta, đặc biệt giáo dục lối sống có lý tưởng, có hoài bão cho thế hệ trẻ. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La cùng với các di sản ký ức là nguồn sử liệu vô cùng quý giá và phong phú cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận hiện đại và lịch sử Đảng; là một địa điểm phục vụ các hoạt động giáo dục truyền thống và còn là điểm đến cho các hành trình du lịch ở Tây Bắc.

 

 

Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, đón Bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là niềm vinh dự và tự hào để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục noi gương truyền thống yêu nước nồng nàn, hy sinh quên mình vì Tổ quốc của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, để cống hiến xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Baosonla.org.vn